Quả mọng, sữa chua, cá hồi giàu vitamin, kẽm, sắt, canxi, omega-3 giúp trẻ tăng đề kháng, phòng nhiều bệnh.

Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết trẻ cần bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, nên duy trì đến hai tuổi. Sữa mẹ có nhiều yếu tố chống nhiễm khuẩn, tăng cường hệ thống miễn dịch, phòng ngừa các bệnh như rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, tiêu chảy, viêm phổi.

Trong những năm đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm, ốm vặt. Vào mùa mưa lạnh, bé dễ bị bệnh đường hô hấp và tiêu hóa. Phụ huynh nên tăng cường đề kháng cho bé bằng chế độ dinh dưỡng khoa học.

Thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C, D: Vitamin A giúp tăng cường chức năng miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh của các tế bào, bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của virus và vi khuẩn. Thực phẩm giàu vitamin A gồm sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua), rau có lá màu xanh thẫm, các loại quả có màu vàng, đỏ (đu đủ, cà chua), lòng đỏ trứng, gan động vật.

Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ tăng sức đề kháng cho trẻ và phục hồi nhanh chóng tế bào tổn thương, đảm bảo hoạt động của các mô cơ thể. Bưởi, cam, ổi, dâu tây, kiwi, đu đủ, bông cải xanh, bông cải trắng, ớt chuông, rau ngót, rau cải có chứa vitamin C.

Trái cây giàu vitamin C giúp trẻ tăng đề kháng. Ảnh: Freepik
Trái cây giàu vitamin C giúp trẻ tăng đề kháng. Ảnh: Freepik

Vitamin D giúp trẻ tăng cường sức khỏe xương, tim mạch và hệ miễn dịch. Trẻ có thể hấp thu vitamin D từ sữa, thực phẩm bổ sung hoặc tổng hợp từ ánh nắng mặt trời.

Thực phẩm giàu kẽm, sắt, canxi: Bổ sung thực phẩm chứa kẽm, sắt, canxi vào chế độ ăn hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, phòng bệnh do virus như cảm cúm, cảm lạnh. Trẻ có thể ưu tiên ăn loại chứa kẽm, sắt, canxi như tôm, cua, sò, ngao, cá thu, cá mòi, thịt bò, gan động vật, hạt bí đỏ, sữa, các loại ngũ cốc.

Thực phẩm chứa omega 3: Quả óc chó, cá biển, dầu cá chứa omega 3 tốt cho hệ miễn dịch, hỗ trợ ngăn ngừa sự tấn công của vi khuẩn, virus gây bệnh để trẻ khỏe mạnh, phát triển thể lực tốt. Phụ huynh có thể trộn quả óc chó vào hỗn hợp đồ ăn nhẹ, tập cho con làm quen với những món ăn chế biến từ cá ngay từ khi còn nhỏ để có đủ omega 3.

Sữa chua: Vi khuẩn có lợi (probiotic) trong sữa chua khi vào đường ruột ức chế vi khuẩn có hại, cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh giúp cơ thể trẻ chống lại bệnh tật, giảm nguy cơ mắc các bệnh như cảm lạnh, viêm họng, nhiễm trùng tai. Cha mẹ nên cho bé ăn hai hộp sữa chua mỗi ngày, sau bữa ăn khoảng 30 phút, có thể trộn cùng trái cây để thơm ngon.

Bác sĩ Trà Phương cho biết thêm nguyên tắc chung là trẻ cần ăn đầy đủ, cân đối 4 nhóm chất đạm, béo, đường bột, vitamin và khoáng chất, uống đủ nước. Bé nên ăn tăng cường rau xanh và trái cây, tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ, quá mặn hay quá ngọt. Cha mẹ cần cung cấp dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ và hợp lý nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ mau khỏi bệnh. Kiêng khem quá mức khiến con mất sức, cơ thể càng yếu, khó chống lại các tác nhân gây bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *